• :
  • :
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ SA ĐÉC
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đội ngũ cán bộ Y tế Tp Sa Đéc vượt lên trên sức mình để đồng lòng chống dịch bệnh

Mặt trời dần dần khuất dạng dưới rặng cây xanh phía chân trời xa, lúc ánh đèn trên các đường phố và nhà nhà bật sáng, có lẽ với những ai đang sống và làm việc tại đô thị thân yêu này, hình ảnh đó báo hiệu cho một ngày đã kết thúc; và mọi người đang quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm; có ai biết rằng đã hơn hai tháng qua có rất nhiều người chưa một lần trở về căn nhà của mình, thì làm sao họ có thể quây quần bên mâm cơm cùng với cha, mẹ, vợ, chồng và những đứa con yêu thương của mình, họ đã gác lại chuyện riêng tư của gia đình để cùng với đồng nghiệp với người dân thành phố Hoa Sa Đéc, người dân đất sen hồng cùng chung sức đồng lòng chống dịch. Họ là ai? Họ chính là những CBVC, những người thầy thuốc của TTYT thành phố Sa Đéc.

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ Y TẾ TP SA ĐÉC VƯỢT LÊN TRÊN SỨC MÌNH ĐỂ ĐỒNG LÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

 

 

Khi khoát lên người chiếc áo trắng Ngành Y, người CBYT ai ai cũng thấm nhuần câu “Lương Y như từ mẫu” và chân lý đó càng sáng tỏ hơn khi lần thứ tư SARS - CoV 2 trở lại. Thành phố Hoa đang trong cơn bảo dữ, con số nhiễm bệnh mỗi ngày một tăng. Chống dịch như chống giặc, tập thể CBVC y, bác sĩ của TTYT thành phố Sa Đéc hòa vào khí thế của người dân đất Sen hồng đồng lòng chống dịch, tiên phong đi đầu, họ sẳn sàng từ bỏ nhu cầu, lợi ich cá nhân, chấp nhận xa gia đình, người thân dấn thân vào tâm dịch góp sức lực của mình mong sớm khống chế dịch bệnh.

          Hơn hai tháng qua Sa Đéc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ai nấy cũng đều mong muốn góp sức cùng thành phố chống dịch bằng cách chấp hành nghiêm túc các quy định, ở yên trong nhà tạm thời nghỉ ngơi. Còn với đội ngũ y tế với những người chống dịch thì sao? không gian yên tĩnh ấy giờ đây lại không còn là giờ phút nghỉ ngơi giải trí nửa mà bắt đầu cho cuộc chiến đấu sinh tử với Covid 19, dịch bệnh kéo dài thêm một ngày, là số lượng lây nhiễm, F0 lại tăng lên, là nguy cơ tử vong cũng có thể tăng lên và kéo theo bao nhiêu F1, F2, bao nhiêu thiệt hại về con người, về kinh tế cho xã hội.

          Thành phố Sa Đéc với một bệnh viện dã chiến với nhiệm vụ thu dung và điều trị bệnh nhân Covid 19, từng bước thêm một khu cách ly F1, rồi khu thứ 2... thứ 3... khu thứ 5. Sự lây nhiễm nhanh chóng của biến thể SARS - CoV 2 thật đáng sợ, trách nhiệm của ngành y tế địa phương càng nặng nề hơn, công việc phát sinh ngày càng nhiều hơn, tập thể CBVC TTYT thành phố Sa Đéc không có ngày thứ bảy, chủ nhật, không có ngày Lễ Quốc khánh, tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩ làm thế nào để khống chế dịch bệnh đưa mọi người về trạng thái bình thường mới. Và họ đã dấn thân không kể ngày hay đêm, làm tất cả những gì có thể làm: khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho đúng tiến độ, bóc tách F0, truy tìm F1 thu dung đưa về điểm tập kết, cách ly. Trong bộ đồ bảo hộ nóng nực ngày nắng cũng như ngày mưa không hề ngơi nghỉ, bên cạnh đó phải đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu tại đơn vị rồi thưc hiện công tác tiêm ngừa Covid 19 cho các đối tượng, mong thêm một mũi tiêm ngừa sẽ thêm khả năng chống lại dịch bệnh cho người dân.

Tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, các khoa, phòng, trạm y tế cơ sở của TTYT Thành phố, đã không còn khái niệm về thời gian, không gian làm việc, hay việc ai người nấy làm; mà tất cả đều cùng chung tay choàng gánh trên tinh thần tất cả vì bệnh nhân, tất cả để chống dịch. Việc này làm xong, thấy anh em khác chưa ngơi tay, thì lại xắn tay hỗ trợ, có khi đến tận 12 giờ đêm mới tạm nghỉ ngơi.

 

 

 

Tại khu cách ly Bệnh viện dã chiến (trường Quân sự củ), Bác sĩ Trần Hữu Nghĩa công tác Khoa khám bệnh TTYT TP được phân công tổ trưởng phụ trách điều trị trên 250 F0, cùng Y sĩ Ngô Văn Quí TYT Phường 3 tăng cường và cùng  nhiều y bác sĩ, điều dưỡng khác ở các đơn vị y tế trong tỉnh hỗ trợ ngày đêm túc trực tại bệnh viện chăm sóc điều trị cho bệnh nhân và hơn hai tháng qua các anh cũng chưa một lần về thăm nhà; bác sĩ Trần Hữu Nghĩa chia sẻ: “ Phải theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện xử lý cấp cứu và chuyển những ca bệnh nặng có dấu hiệu khó thở... về BVSĐ kịp thời; nhịp sống, nhịp làm việc từ khi có dịch đã đảo lộn hoàn toàn, chúng tôi làm không có ngày nghỉ, làm suốt luôn, không về nhà. Nhân lực ít, công việc thì nhiều chúng tôi đã hết sức cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong Phó giám đốc TTYT TP tâm sự: “ Từ khi Sa Đéc có dịch bệnh đến nay gần 03 tháng tôi chưa một lần về nhà, dù rất nhớ và muốn về thăm mẹ già bị bệnh mãn tính cần chăm sóc sức khỏe, nhưng vì nhiệm vụ nên chỉ thăm mẹ qua điện thoại thôi”. Bác Sĩ Lê Minh Phương khu cách ly Trường Chính trị, Bs Huỳnh Cẩm Phước Khu cách ly Trường Nguyễn Đình Chiểu, Bs Hồ Bửu khu cách ly Trường Cao đẳng cộng đồng, Bs Huỳnh Thị Kim Phượng Trưởng TYT xã Tân Phú Đông; Cử nhân xét nghiệm Lê Thị Thùy Hoa, Đinh Thị Cẩm Tú, Y sĩ Lê Ngọc Phương Trâm. Dược sĩ Lưu Thúy Kiều, Cử nhân hộ sinh Bùi Thị Thu Trang, Cử nhân Phan Thị Hoàng Phương….. và còn còn nhiều lắm CBYT gác bỏ mọi chuyện gia đình, ở lại cơ quan bất kể ngày hay đêm để chống dịch, có những đêm thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm, truy vết, sắp xếp phân loại mẫu để kịp thời gửi về trên xét nghiệm đến tận 22.. 23 giờ đêm mới xong, cố gắng nhai hộp cơm ăn muộn do các nhà hảo tâm gửi đến để ngay mai có sức làm việc, nếu ai ai bắt gặp cũng phải chạnh lòng.

 

 

 

 

Mùa dịch này, nói như Bác sĩ Mai Hoàng Đại Hải- Trưởng Trạm y tế Phường 4: “Đội ngũ nhân viên y tế tại trạm phải gồng gánh mọi thứ từ đi cấp cứu, rồi đi lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0, F1, khi phát hiện ra ca bệnh phải điện thoại xin xe cứu thương của TTYT chở vào các khu cách ly, đỉnh điểm có ngày lên đến hàng chục ca F0 phải chuyển đi. Nếu đã có những chuyến xe cấp cứu như con thoi chuyển viện cấp cứu bệnh nhân Covid 19, chuyển F0, F1 vào khu cách ly, vào bệnh viện dã chiến, các bác tài đã phải ôm vo lăng đến 1, 2 giờ khuya mỏi mệt, thì cũng ngần ấy thời gian các CBYT cũng phải chăm sóc cấp cứu hỗ trợ bệnh nhân, đồng thời hoàn thành các thủ tục hành chánh. Một cường độ làm việc liên tục, liên tục, mệt nhoài nhưng ai nấy đều xác định phải cố gắng để chiến thắng dịch bệnh.

Điều dưỡng Phan Thị Út –  Phó trưởng Trạm y tế Phường An Hòa, cho biết: “Từ khi có dịch là cũng từng ấy thời gian chị xa gia đình gởi con cho cha mẹ để cùng đồng đội chống dịch và chị cũng đã nhiễm bệnh; hết bệnh, chị trở lại trạm y tế làm việc, ngày đêm lao vào chống dịch từ đi cấp cứu F0, đi truy vết F1, trực cấp cứu… Hiện địa bàn Phường An Hòa có 02 khu cách ly tạm với gần 100 trường hợp F0, F1 nhiều đêm cấp cứu nhiều, chuyện thức trắng đêm cũng trở thành bình thường: Chị nói: "Ban đêm, những F0 khó thở gọi mình phải xuống ngay để kiểm tra Sp02 nếu không ổn thì gọi xe cấp cứu, chuyển bệnh viện. Trong trạng thái mệt mỏi nên giấc ngủ về đêm cứ chập chờn.

Cùng với ngần ấy thời gian TTYT TP cũng đã có 08 Y bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiễm bệnh (F0) được điều trị, và hàng chục nhân viên y tế  (F1) phải đi cách ly phòng ngừa lây nhiễm theo quy định. Lực lượng ít lại càng ít hơn, nhưng đã được sự hỗ trợ chi viện nhân lực kịp thời của Sở Y tế, các bệnh viện tỉnh, các Trung tâm chuyên khoa, TTYT các huyện trong tỉnh, Một điều trân quý là tất cả y bác sĩ nhiễm bệnh, sau thời gian điều trị hoặc cách ly theo quy định đã trở lại hòa nhập cùng đồng đội, tiếp tục hành trình đầy gian khó này như Bác sĩ Trần Tấn Phát, Bác sĩ Ngô Hữu Toàn, Y sĩ Hà Thanh Tùng…. Hơn hai tháng qua với sự nổ lực của CBVC y, bác sĩ ngành y tế cùng với sự hỗ trợ của  các đơn vị bạn và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố Sa Đéc, công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố Sa Đéc đã đạt được thành quả nhất định.

Xin tri ân sự đóng góp của những chiến sĩ “blouse trắng” Ngành Y tế TP Sa Đéc trong công tác phòng chống Covid 19. Tri ân những tấm gương xả thân của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, của các Y bác sĩ trong quá trình chống dịch đã bị nhiễm bệnh, sẵn sàng trở lại sát cánh cùng đồng đội khi hết bệnh và tri ân rất nhiều..., rất nhiều những chiến binh áo trắng nơi đầu sóng ngọn gió đã và đang âm thầm góp sức đẩy lùi dịch bệnh trên quê hương chúng ta.

Bằng cảm nhận chân thành về những đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch, mỗi người chúng ta hãy thực hiện tốt hơn, tuân thủ tốt hơn nữa các qui định về phòng chống dịch bệnh, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh một cách sớm nhất.  Chính sự cảm nhận, thấu hiểu và thực hiện tốt các biện pháp chống dịch của mỗi người sẽ là liều thuốc tinh thần quý báu để tiếp sức cho lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch./.         

 Lê Thành Côn

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Website liên kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 51
Hôm qua : 201
Tháng 05 : 1.544
Năm 2025 : 1.570